Thursday, November 13, 2014

Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Chánh (1950-2004)

Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Chánh (1950-2004) 13-12-2013 22:49 HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN CHÁNH - Ủy viên Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Tháp (Nhiệm kỳ III, IV, V) - Ủy viên Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Đồng Tháp - Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Tháp - Hiệu Trưởng Trường Trung Cấp Phật Học Đồng Tháp. - Viện Chủ Chùa Thanh Lương, Phó Trụ Trì Chùa Phước Hưng. I. THÂN THẾ: Hòa thượng Thích Thiện Chánh, thế danh Trần Văn Bình, sinh năm 1950 tại xã Bình Hòa, Huyện Giồng Trôm, Tỉnh Bến Tre. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Mát, pháp danh Thiện Thanh, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Kiều, pháp danh Nhựt Thủy. Trong gia đình, Hòa Thượng là anh cả của 1 em trai và 2 em gái. II. XUẤT GIA – TU HỌC: Nhờ túc duyên Phật pháp nhiều đời. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp cấp Tiểu học vào lúc vừa tròn 15 tuổi, Hòa Thượng được song thân cho phép xuất gia tu học với Hòa thượng thượng Vĩnh hạ Đạt – bậc chân tu yêu nước lúc bấy giờ. Sau khi thế phát xuất gia, Hòa Thượng được Hòa Thượng bổn sư ban pháp danh Nhựt Chơn, tự Thiện Nghĩa, hiệu Thiện Chánh, thuộc dòng thiền Lâm tế Chánh Tông, đời thứ 41. Năm 1966, Hòa Thượng được Hòa Thượng bổn sư cho phép đăng đàn thọ Sa di giới tại Đại giới đàn Vĩnh Hòa, Bạc Liêu. Năm 1972, bằng sự chuyên cần tinh tấn tu học, Hòa thượng đã tốt nghiệp tú tài toàn phần, tiếp tụ tu học và tốt nghiệp đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1977, Hòa Thượng tiếp tục được Hòa Thượng bổn sư cho thọ giới Cụ Túc giới tại giới đàn chùa Ấn Quang, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. III. HÀNH ĐẠO VÀ HÓA ĐẠO: Do ảnh hưởng tư tưởng phụng đạo yêu nước, hộ quốc an dân của hòa Thượng bổn sư, Hòa Thượng không một phút nghỉ ngơi nghĩ trong việc lo cho đạo pháp và dân tộc, nâng cao trình độ Phật học và thế học. Từ ngày thọ đại giới cho đến ngày viên tịch, dù bận rộn đến đâu đi nữa thì Hòa Thượng cũng dành thời gian quý báu của mình để An cư kiết hạ. Từ khi bước chân vào chốn cửa Không, Hòa Thượng đã bằng nhiều việc làm thiết thực để góp phần nhỏ trong việc giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc. Năm 1974, được sự tín nhiệm của chư tôn đức giáo phẩm bấy giờ, Hòa thượng đã sược duy cử đảm nhiệm chức vụ Thư ký Ban đại diện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Tỉnh Sa Đéc. Năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập tại Đại Hội Đại Biểu thống nhất Phật giáo cả nước tổ chức ở thủ đô Hà Nội. Năm 1982, Ban Trị Sự tỉnh hội Phật Giáo Tỉnh Đồng Tháp được thành lập, Hòa Thượng được chủ tôn giáo phẩm tín nhiệm suy cử vào chức vụ Chánh Thư Ký Ban Trị Sự nhiệm kỳ I, nhiệm kỳ II. Năm 1992, Đại Hội Đại Biểu Giáo Hội Tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ III, Hòa Thượng được suy cử vào chức vụ Phó ban Thường Trực Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Đồng Tháp. Cũng trong thời gian này Hòa Thượng Thích Thiện Minh – Trưởng Ban Trị Sự viên tịch, Hòa Thượng được suy cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị Sự đến hết năm 1997. Năm 1997 cho đến khi viên tịch, Hòa thượng được Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo tỉnh Đồng Tháp chính thức suy cử giữ nhiệm vụ Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ IV và nhiệm kỳ V. Trong nhiệm kỳ V (1997 – 2002), Hòa Thượng phải kiêm thêm nhiệm vụ Trưởng ban Tăng Sự Tỉnh Hội, Hiệu Trưởng Trường Trung Cấp Phật Học Khóa IV (2001 – 2005). Sang nhiệm kỳ V (2002 – 2007) Hòa Thượng kiêm nhiệm vụ Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni và Hiệu Trưởng Trường Trung Cấp Phật Học. Trong các khóa An Cư Kiết Hạ do Tỉnh hội phật giáo Đồng Tháp tổ chức từ năm 1983 đến năm 2004, Hòa Thượng luôn là giáo thọ giảng dạy giáo lý, hành chánh giáo hội cho Tăng Ni an cư, cho Tăng Ni sinh khóa I đến khóa IV trường Trung Cấp Phật học. Đồng thời với sự trực tiếp giảng dạy, Hòa Thượng là Trưởng ban chỉ đạo các khóa An cư kiết hạ. Trong những Tăng Ni được Hòa Thượng giáo huấn, có những Tăng Ni thành danh như Đại đức Thích Lệ Thọ, Đại đức Thích Thiện Mỹ, Đại đức Thích Chơn Tâm, Đại đức Thích Chơn Trí và nhiều Tăng Ni khác. Các đại giới đàn từ năm 1983 – 2003, Hòa thượng đều là Phó ban hay Trưởng Ban tổ chức và trực tiếp nhiệm vụ Tôn chứng Sư, Giáo thọ A Xà Lê, Yết ma A Xà Lê. Được sự tôn kính của Tăng Ni, Phật tử Hòa Thượng được cung thỉnh đảm nhiệm chức vụ Phó trụ trì Chùa Phước Hưng (1987 – 2004), trụ trì chùa Bửu Quang – Văn phòng Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh từ năm 1986 – 1989, trụ trì chùa Thanh Lương xã An Bình, huyện Cao Lãnh từ năm 2000 – 2004. Để tôn vinh bậc chân tu, hết lòng lo cho đạo cho đời, Hòa thượng Đại hội Đại Biểu phật toàn quốc lần thứ III (1992) tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa. Năm 2001 được Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam truy phong lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng. Đồng thời để tạo điều kiện cho Hòa thượng thể hiện trách nhiệm, bổn phận của người công dân đối với đất nước, của người tu sĩ Phật giáo, Hòa thượng được Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Đồng Tháp mời tham gia và giữ chức vụ Ủy viên Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh từ năm 1992 – 2004). IV. TUYÊN DƯƠNG VÀ KHEN THƯỞNG: Bằng tinh thân đạo tục dung thông, với nhiều công đức đóng góp cho giáo hội, Hòa thượng đã được Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tặng nhiều bằng tuyên dương công đức. Với công lao đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, Hòa thượng được Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân. Bằng khen của Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Mặt Trận tổ Quốc Tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác. V. NHỮNG NGÀY TRỤ THẾ CUỐI CÙNG. Hữu thân hữu bệnh, gần về cuối đời, khi biết mình lâm trọng bệnh, nhưng hòa thượng vẫn an nhiên cùng chư tôn giáo phẩm chung lo Phật sự, hoàn thành nhiệm vụ của một vị Trưởng Ban Trị Sự. Bệnh duyên ngày càng trầm trọng, Hòa thượng không một phút xao lãng trong hành trì và tu tập, luôn tận tụy cho đạo cho đời, luôn quan tâm đến việc đào tạo Tăng tài cho giáo hội và đặt hết kỳ vọng vào thế hệ Tăng ni kế thừa, mãi là bậc hữu dụng cho đạo pháp và dân tộc trong mai hậu. Vô thường lão bệnh, không hẹn cùng ai, sớm còn tối mất đã qua đời khác, thế rồi một thoáng vô thường, Hòa thượng đã xả báo an tường vào lúc 14 giờ 35 phút ngày 22/13/2004 – nhằm ngày 11/11 năm Giáp Thân, để lại biết bao niềm tiếc thương vô hạn cho hậu thế. Thật là: Trụ thế gieo nhân tự tánh không Xả thân không luyến chuyện thế trần Bay đi, bóng nhạn không lưu dấu Tuy rung, hoa đàm vẫn ngát hương. Hòa thượng trụ thế được 55 năm, thọ đạo 41 năm, hạ lạp 36 năm. Nam Mô Việt Nam Phật Giáo Giáo Hội, Đồng Tháp Tỉnh, Trị Sự Trưởng Ban, Thanh Lương Đường Thượng, Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế Húy Nhựt Chơn Thượng Thiện Hạ Chánh Trần Công Hòa Thượng Giác Linh. BTS.GHPGVN Tỉnh Đồng Tháp (Soạn Thảo) ____________________________________________________________________________ http://phatgiaodongthap.com/bvct/phat-giao-lap-vo-phat-giao-cao-lanh/248/tieu-su-co-hoa-thuong-thich-thien-chanh-1950-2004.html

Labels:

Tiểu sử Hòa thượng Thích Chánh Thành - Tổ Vạn An (1872-1949)

Tiểu sử Hòa thượng Thích Chánh Thành - Tổ Vạn An (1872-1949) 24/06/2014 08:22:00Thích Vân Phong Đã đọc: 397 Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font image Dịp kỷ niệm ngày Viên tịch lần thứ 65 (1949-2014) cố đại lão Hòa thượng Thích Chánh Thành (Tổ Vạn An) là một trong những vị tiền bối Thạch trụ tòng lâm, góp phần đào tạo Tăng tài và chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ 20. Chúng ta cùng nhau ôn lại hành trạng của Ngài để nêu gương sáng cho nhiều thế hệ theo bước chân các Ngài trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Đại lão Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 38, pháp húy Đạt Thới, hiệu Chánh Thành. Tục danh Phạm Văn Vịnh, sinh năm Quý Dậu (1872), niên hiệu Tự Đức năm thứ 26, tại làng Tân Nhuận Đông, tỉnh Sa Đéc, (nay là tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình Nho học kiêm lương y đương thời. Xuất thân trong một gia đình trung lưu phúc hậu, được phụ thân hướng dẫn theo Phật học. Sẵn có thiên tư đĩnh ngộ, lại được sự chăm sóc chu đáo của nghiêm đường, thuở nhỏ đã tỏ ra phi thường và miệt mài đèn sách, ôn cố tri tân, thông minh xuất chúng, được mọi người khen ngợi và quý mến. Năm Quý Mùi (1883) niên hiệu Tự Đức năm thứ 37, song thân lần lượt qua đời. Trong lúc việc học hành tiến triển, bỗng nhiên Ngài lâm vào hoàn cảnh côi cút, tràn ngập đau thương và thắm thía câu: Đã sanh trong cõi vô thường, Thì ai thoát khỏi con đường tử sanh, Bầu trời lồng lộng cao xanh, Xoay mưa trở nắng tan tành gió mây, Mênh mông đất nước trời dài; Còn đâu bể thẳm luân đầy chiều mai. Liễu ngộ lý vô thường, sinh diệt tử sanh. Đất Bồ đề hoa tâm khai phát, vườn Bát nhã thêm hương sắc, Ngài liền nghĩ việc xuất gia đầu Phật, đến Tổ đình Hội Phước, Rạch Nha Mân, tỉnh Sa Đéc, đảnh lễ Tổ sư Liễu Ngọc hiệu Châu Hoàn thượng nhân để xin cạo tóc xuất gia. Với bản chất thông minh, lại thêm quyết chí tu học, ngoài những thời công phu hàng ngày và chấp tác phụng sự Bổn sư, Ngài dành cả thì giờ còn lại cho việc nghiên cứu kinh điển, tìm hiểu những điều cao siêu thâm thúy của Phật pháp. Nhờ vậy việc tu học của Ngài rất tiến triển, giới luật càng tinh nghiêm, được các bậc tôn túc thương yêu và đại chúng quý mến. Chẳng bao lâu Ngài đã trở thành một vị Pháp sư tài đức vẹn toàn. Năm 23 tuổi, Ất Mùi (1895) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 7, Ngài được Sư tổ Liễu Ngọc truyền trao Chánh pháp Nhãn tạng với bài kệ như sau: Đạt đắc Bồ đề trí huệ khai Thới nhiên tâm địa xuất trần ai Chánh pháp tạng trung chơn thật nghĩa Thành năng tham thấu tức Như Lai. (Đắc quả Bồ đề trí huệ khai Hoát nhiên tâm địa vượt trần ai Trong lòng chánh pháp chơn thật nghĩa Năng sở vô nghì rõ Như Lai) (Tư Chỉ tạm dịch) Năm Bính Thân (1896) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 8, Ngài được Hòa thượng Bổn sư bổ xứ về Trụ trì chùa Vạn An, Rạch Cái Xếp (nay Xã An Nhơn, Huyện Châu Thành, Đồng Tháp). Về sau Tăng tín đồ thường gọi Ngài là Hòa thượng Vạn An. Năm Nhâm Dần (1902) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 14, sau khi đại lão Hòa thượng Bổn sư Liễu Ngọc thị tịch, Ngài đến y chỉ với Sư tổ Minh Thông hiệu Hải Huệ ở Tổ đình Bửu Lâm (nay thuộc Xã Bình Hàng Trung, Huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và được ban pháp danh Như Vịnh hiệu Diệu Liên, nối pháp dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39. Năm Giáp Dần (1914) Niên hiệu Duy Tân năm thứ 8, hưởng ứng phong trào yêu nước chống thực dân Pháp do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để hô hào ở Nam bộ, Ngài bị người Pháp bắt giam 9 tháng, sau vì không có chứng cớ, chúng phải trả tự do cho Ngài. Năm Quý Dậu (1933) Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng tại đàn giới Chùa Kim Huê, Sa Đéc. Năm Giáp Tuất (1934), Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10, Đại giới đàn khai mở tại Bổn tự Vạn An do Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Kế đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ phát triển mạnh. Chư tôn đức Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang, Pháp Hải v.v... thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ở Trà Vinh, mở Phật học đường để đào tạo Tăng tài, Ngài được mời làm Pháp sư tham gia giảng dạy. Năm Bính Tý (1936) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 12, Đại giới đàn tại chùa Vĩnh Hòa, Xã Vĩnh Lợi, Huyện Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu do Hòa thượng Huệ Viên tổ chức và cung thỉnh Ngài đương vi Chứng minh, Hòa thượng Bửu Chung chùa Phước Long đương vi Pháp sư, Hòa thượng Chánh Quả chùa Kim Huê đương vi Bố tát. Năm Đinh Sửu (1937) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 13, Phật Học Đường Lưỡng Xuyên gặp khó khăn về tài chánh phải đóng cửa. Ngài quay về bổn tự mở trường gia giáo tại Bổn Tự Vạn An, tiếp tục truyền đạt giáo lý cho Tăng sinh. Năm Canh Thìn (1940) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 16, Ngài lại mở Phật học Ni trường ở Tây đường bổn tự Vạn An để đào tạo Ni chúng. Số Tăng Ni sinh xuất thân từ trường gia giáo Vạn An rất nhiều, trong số đó có những vị danh tiếng như chư vị Hòa thượng Kiểu Lợi, Huệ Hưng, Phước Cần... các Sư các vị Ni trưởng Chí Kiên, Như Hoa, Huyền Học, Như Chơn... Năm Tân Tỵ (1941) niên hiệu Bảo đại năm thứ 17, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng tại đàn giới Chùa Kim Huê, Sa Đéc. Năm Nhâm Ngọ (1942) niên hiệu Bảo đại năm thứ 18, Đại giới đàn tổ chức tại Bổn tự Vạn An do Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng truyền giới. Đàn giới này có chư giới tử đắc giới như các vị Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Phước Cần . . . Năm Ất Dậu (1945) cuối triều Vua Bảo Đại, Đàn giới khai mở tại Chùa Thới Long, Cao Lãnh, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Những năm thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ, Gia Định lại là trung tâm dấy lên phong trào Phật giáo cứu quốc. Ngôi chùa giai đoạn này tuy chưa trở thành một nơi hoạt động cách mạng, nơi hội họp, nuôi chứa cán bộ… như những giai đoạn sau này, nhưng cũng là nơi liên lạc giữa các tăng sĩ yêu nước từ Gia Định có quan hệ với các nơi khác vùng đồng bằng sông Cửu Long. . . Quần chúng phật tử hết lòng tham gia việc nước, hăng hái gia nhập các tổ chức cứu quốc: Thanh niên Tiền phong, Thiếu niên Tiền phong, Phụ lão cứu quốc, Tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc… Nhiều chư tăng trong thành phố Sài gòn đã tham gia Mặt trận Việt Minh, nhiều chùa như chùa Long An, Giác Lâm, Giác Viên, Sùng Đức, Long Vân, Giác Hoàng hưởng ứng … Chùa Linh Thứu (Tiền Giang) là trạm liên lạc giữa Xứ ủy và Tỉnh ủy Mỹ Tho. Sư cụ Thái Không, trụ trì chùa Phật học Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) đã âm thầm hoạt động và hô hào tăng sinh trường hãy : “Cởi áo cà sa khoác chiến bào, Giã từ thiền viện lướt binh đao, Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác; Cứu nước thương dân dễ đợi nào” Cũng trong năm này Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam bộ được thành lập (do Thích Minh Nguyệt hiệu Tam Không làm Chủ tịch, Thích Huệ Phương hiệu Bạch Vân làm phó chủ tịch và có tờ báo mang tên Tinh Tấn là tiếng nói của cơ quan ngôn luận Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam bộ), phát triển các chi hội khắp các địa phương, trong đó có huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), mặc dầu tuổi cao sức yếu (lúc đó Ngài đã 73 tuổi, Ngài vẫn hăng hái lãnh nhiệm vụ cố vấn, động viên tinh thần yêu nước cho hàng ngũ Tăng tín đồ ở huyện nhà). Năm Đinh Hợi (1947), chiến tranh lan khắp nơi. Quân viễn chinh Pháp mở các cuộc càn quét vùng nông thôn. Khu vực chùa Vạn An mất an ninh, Ngài phải cùng các đệ tử lánh cư về Tổ đình Hội Phước, Nha Mân. Nhân duyên Ta bà quả mãn, hạnh nguyện lợi tha hóa duyên ký tất: Chân không biển giác ngập tràn, Có-không, không-có Niết bàn thảnh thơi, Dọc ngang góc biển chân trời; Vô sinh trổi khúc an vui chân thường. Ngài thị hiện chút bệnh duyên và an nhiên thu thần Tịch diệt vào lúc 3 giờ khuya ngày 25 tháng 6 Năm Kỷ Sửu (20-07-1949). Trụ thế 77 Xuân. An cư 54 Hạ lạp. Trụ trì 47 Đông. Đương thời những pháp lữ đồng hành và thường chia sẻ Phật sự như các vị tiền bối : Hòa thượng Bửu Phước, chùa Phước Ân, Rạch Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, nay tỉnh Đồng Tháp; Hòa thượng Bửu Chung, chùa Phước Long, Rạch Ông Yên, xã Tân Nhuận Đông, huyện châu, nay tỉnh Đồng Tháp; Hòa thượng Thới Ba, chùa Phước Long, Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, nay tỉnh Đồng Tháp; Hòa thượng Chánh Tín, chùa An Phước, Rạch Rắn, Sa Đéc . . . Và mỗi khi có công việc Phật sự cần bàn thì hẹn cùng nhau đi ghe thuyền về chùa Phước Ân ít nhất cũng vài hôm để soạn thảo kế hoạch giáo dục đào tạo Tăng tài. Tổ đình Vạn An trở thành một trong những nơi giáo dục đào tạo Tăng tài nổi tiếng của Phật giáo Đồng bằng sông Cửu long vào đầu thế kỷ 20, góp phần khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam và được truyền tụng câu : “Sa Đéc là đất Phật”. Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh của Ngài, ngoài việc tham gia giảng dạy ở các Phật học đường, Ngài còn có công lớn trong việc diễn Nôm một số Kinh sách lưu hành ở miền Nam thời bấy giờ. Các tác phẩm của Ngài hiện còn lưu giữ tại Tổ đình Vạn An (Sa Đéc) gồm có: Kinh: - Di Đà Sớ Sao. - Pháp Hoa - Pháp Bảo Đàn. - Phật Tổ Tam Kinh - Quy Nguyên Trực Chỉ. - Long Thơ Tịnh Độ. Luật: -Đại học Hoằng giới - Tứ Phần Như Thích - Bồ Tát Giới Kinh - Tỳ Kheo Giới Kinh. - Sa Di Sớ. - Tỳ Ni Hương Nhũ. Sám: - Quy Mạng - Khể Thủ v.v...

Labels:

Tiểu sử Thiền sư Thích Trí Thiền (1882-1943)

Tiểu sử Thiền sư Thích Trí Thiền (1882-1943) 27/07/2014 19:32:00Thích Vân Phong Đã đọc: 423 Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font image Với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, cung kính vị thiền sư đã dâng hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc. Thành tâm tưởng niệm lần thứ 71, ngày viên tịch đại lão Thiền sư Thích Trí Thiền. Chúng ta cùng nhau ôn lại hành trạng, trang sử vàng một trong những vị tiền bối, xây dựng nền tảng cho cuộc chấn hưng Phật giáo và phong trào Phật giáo cứu quốc. Ngài Là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo con đường hộ quốc an dân, góp phần tốt đạo đẹp đời. Tiểu sử Thiền sư Thích Trí Thiền (1882-1943) Thiền sư thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40, pháp húy Hồng Nguyện hiệu Trí Thiền, thế danh Nguyễn Văn Đồng, sinh năm Nhâm Ngọ (1882) niên hiệu Tự Đức năm thứ 36, tại làng Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, (nay Phường Vĩnh Thanh Vân, Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), trong một gia đình nông dân. Thân phụ là Cụ Nguyễn Văn Trinh, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Trường. Song thân của Ngài nguyên quán xứ Cái Dầu, ven Sông Hậu, Làng Định An, Tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang (nay xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Hai Cụ đến đây lập nghiệp, sinh năm người con. Ngài là con út. Năm Nhâm Tý (1912), niên hiệu Thành Thái năm thứ 6, vừa tròn 30 tuổi xuân, chí nguyện thoát trần nung nấu, Bồ đề tâm hoa khai phát, để làm tiền đề cho Bát Nhã đơm bông. Thật là “Đàm hoa nhất hiện” khi những sợi tóc não phiền rơi rụng theo từng nhát kéo đong đưa, thì đại nguyện cũng tùy thời ứng hiện, Ngài đến Thập Phương Cổ Tự, Rạch Giá, đảnh lễ lão Hòa thượng Như Đức hiệu Vĩnh Thùy xin thế phát xuất gia. Từ đây: Thân vun bồi nơi đất Bồ đề; Tâm vững trụ tại rừng Bát nhã. Sau đó, Ngài thọ Sa di giới tại Giới Đàn Minh Thông-Hải Huệ, Tổ đình Khải Phước Nguyên trong năm này, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được Y chỉ học Thiền với lão Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền, Khải Phước Nguyên Tự, Lấp Vò (nay huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Khi đã trở thành trang Thích tử, Ngài vân du hành cước tham cứu yếu chỉ thiền môn. Với trí tuệ và tư chất thông minh, Ngài nhẹ nhàng lướt sóng trên biển pháp mênh mông, dạo bước phong ba trong rừng thiền kinh tạng, ban ngày lao động và ban đêm bút nghiên đèn sách, dồi mài giáo điển, tinh tấn tu tập. Do đó Ngài đã được Hòa thượng Bổn sư và Y Chỉ sư cùng các bậc tôn túc kỳ lão, tâm đắc và giáo huấn tận tình. Ngoài sở học uyên thâm, Ngài còn có phong thái nhanh nhẹn mà điềm đạm, tính khí hòa nhã thanh thoát, trang nghiêm phúc tướng, chí khí trượng phu, xứng danh xuất trần thượng sĩ. Nhờ bản tính cương trực, chí hướng đại hùng lực, chẳng bao lâu đạo nghiệp của Ngài tỏa rạng sáng ngời. Hàng năm cứ đến mùa sen nở, Ngài đó đây cùng đại chúng Kiết Hạ An Cư, trao dồi giới đức, khắp các nơi, Đạo tràng nào cũng có dấu chân hoằng hóa của Ngài. Ngoài thời gian Kiết hạ An Cư, mỗi năm Ngài thường vào tịnh thất cấm túc tham thiền, khổ hạnh công phu. Tín tâm kiên cố, đạo phong nghiêm mật, hạnh hóa tha cảm ân đức, nhiều người ngưỡng mộ Phật Pháp đến xin quy y thọ giới với Ngài rất đông. Năm Quý Sửu (1913), niên hiệu Thành Thái năm thứ 7, do kính trọng đạo hạnh của Ngài, nữ Phật tử Dương Thị Oán thành tâm cung thỉnh Ngài Trụ trì ngôi chùa cổ, được vua Gia Long Sắc Tứ Tam Bảo Tự, niên hiệu Gia Long năm thứ hai (Quý Hợi-1803). Hai năm sau Ngài cất bước vân du đó đây hóa duyên bổn đạo. Cảm kích đức độ của Ngài, bá tánh thập phương kẻ công người của, tích góp công đức phát tâm đại trùng tu ngôi Cổ tự, từ mái tranh vách lá thành một ngôi Phạm vũ huy hoàng. Vào mùa xuân năm Đinh Tỵ (1917) niên hiệu Khải Định năm thứ 2, Chùa tổ chức lễ Lạc thành, hoàn tất công trình trùng tu ngôi Già Lam. Tấm biển gỗ quý hiệu Sắc Tứ Tam Bảo Tự, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng do Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền (1858-1919), Trụ trì Khải Phước Nguyên Tự ban tặng, nay vẫn còn tồn tại nơi Chính điện. Năm Bính Thìn (1916) niên hiệu Duy Tân năm cuối, Ngài được đăng đàn thọ Tỳ kheo, Bồ tát giới tại giới đàn chùa Giác Hải, Phú Lâm, Gia Định (nay là Quận 6, Tp. Hồ Chí Minh). Năm Kỷ Mùi (1919), niên hiệu Khải Định năm thứ 4, Ngài sắp xếp về Tổ đình Khải Phước Nguyên để thọ tang Y chỉ sư viên tịch (Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền viên tịch ngày 25/10/AL (nhằm 17.12.1919). Năm Canh Thân (1920), niên hiệu Khải Định năm thứ 5, đại lão Hòa thượng Bổn sư Như Đức hiệu Vĩnh Thùy viên tịch vào ngày 6.4 AL (nhằm 23.5.1920) tại Tổ đình Sắc tứ Thập Phương Cổ Tự, Ngài phải lo tròn hiếu sự, tam niên thọ tang. Năm Nhâm Tuất (1922) niên hiệu Khải Định năm thứ 7, nhân dịp lễ Đại tường mãn tang cố đại lão Hòa thượng Bổn sư Như Đức hiệu Vĩnh Thùy, Ngài tổ chức Đại giới đàn tại Bổn tự Sắc tứ Tam Bảo, do Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng, Hòa thượng Quang Trí, Phước Ân Tự, làm Chánh Chủ kỳ, Thiền sư Như Nhãn hiệu Từ Phong, Giác Hải Tự chứng minh, Luật sư Chánh Quả, Kim Huê Tự, đương vi Giáo thọ A Xà lê. Bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, phát huy đạo pháp, báo đáp Tứ trọng ân, Ngài phát động phong trào học Phật pháp. Trên diễn đàn, ngôn ngữ thuyết pháp giản dị mà sâu sắc. Ngài biết sử dụng lối kiến giải phù hợp với khoa học, phân tích những tập tục mê tín ngoại đạo lẫn lộn trong chốn Thiền môn. Ngài nói rõ tác dụng của Chánh tín, giúp chúng ta phục hồi đức tự chủ, niềm tự tin, đem lại nguồn an lạc hạnh phúc cho mình và mọi người. Tai hại của mê tín là làm bào mòn đức tự chủ, niềm tự tin, gây bất an trong cuộc sống, tăng thêm nhiều lo sợ. Do đó, giới trí thức cùng nhau đến cầu học Phật pháp với Ngài. Còn giới bình dân, Ngài tùy bệnh cho thuốc, hướng dẫn họ niệm Phật cầu vãng sinh: Đã biết cảnh hồng trần trôi nổi, Một ngày nào cát bụi buông xuôi, Vô thường muôn sự rõ rồi, Hoa sen chín phẩm là nơi an bình. Ngài lại tiếp tục đăng trình vân du hoằng hóa, tùy duyên thuyết pháp độ sinh, không nài gian lao, chẳng từ khó nhọc, đâu nệ chốn hoang vắng ít người. Nơi đâu cần dựng chùa am cho Phật tử có nơi quy ngưỡng, Ngài liền kiến tạo Già lam Phật địa. Do đó, chỉ trong vòng mười năm, Ngài tạo dựng đến chín ngôi Già lam rải rác khắp tỉnh Rạch Giá. Song song với công cuộc hoằng pháp, Ngài còn chủ trương đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, xoa dịu bớt những nỗi thương đau của tầng lớp dân nghèo bị trị. Hương Đạo đức của Ngài lưu xuất khắp khu vực miền Nam, lan rộng đến cả vùng Nam Vang nước bạn. Nơi nơi thỉnh Ngài về thuyết pháp, giảng dạy kinh luận. Năm Ất Sửu (1925), niên hiệu Khải Định năm cuối, Ngài dẫn một đệ tử sang đất Thái, xứ chùa tháp để cùng chia sẻ Phật sự nước bạn, không ngờ vị đệ tử này lại có duyên Trụ trì, hoằng pháp tại Thái Lan. Vị đệ tử chân truyền của Ngài là Sư Báo Ân, pháp danh Nhật Đáp rời quê hương đất Tổ, sang Thái Lan tu hành đắc đạo và để lại nhục thân bất hoại. Sư Báo ân kiết già viên tịch ngày 27 tháng giêng năm Giáp Thìn (10.03.1964). Năm Tân Mùi (1931), niên hiệu Bảo Đại năm thứ 6, Ngài đã tích cực yểm trợ phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà do Thiền sư Thích Khánh Hòa chủ xướng, và ngài đã đảm nhận chức vụ cố vấn cho Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Hội bị vài cư sĩ khuynh loát, sinh hoạt đình trệ. Thiền sư Thích Khánh Hòa lui về Trà Vinh thành lập Liên Đoàn Phật học xã, rồi đổi thành Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, để chăm lo việc đào luyện tăng tài. Ngài ủng hộ tài chánh mạnh mẽ cho hai tổ chức nầy, nhưng Ngài nhận thấy mục tiêu khiêm tốn đào tạo Tăng tài không đáp ứng nỗi nhu cầu khẩn thiết của đất nước. Với chủ trương Phật hóa nhân gian, đem đạo Phật đi vào cuộc đời, tích cực xoa dịu nổi thương đau của người dân khốn khổ, tiêu trừ tệ trạng dốt nát đói nghèo, và nếu cần, phải cực lực lên án, chống nạn bốc lột kinh tế, lũng đoạn thị trường của những kẻ thiếu lương tâm. Đó là lý do khiến Ngài đã đứng lên vận động giới Tăng sĩ Phật giáo trong tỉnh, kết hợp thành tổ chức thống nhứt với danh xưng “Hội Phật Học Kiêm Tế” năm Đinh Sửu (1937) và cho ra đời tạp chí Tiến Hóa hai tháng sau đó. Vì công việc đa đoan Ngài đã ủy thác tờ báo Tiến Hóa cho sư Pháp Linh và sư Thiện Chiếu đảm trách. Ngài đặt trọng tâm vào việc hoằng pháp, phát triển cơ sở Phật giáo và đẩy mạnh công tác Từ thiện xã hội: tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt năm Đinh Sửu (1937), đẩy mạnh phong trào bình dân giáo dục và phòng thuốc phước thiện, có đông y chẩn bệnh, có nơi tạm trú cho bệnh nhân phương xa… Ngài cũng chính thức thành lập Viện Mồ Côi đặt tại Rạch Giá và dự trù thành lập Viện dưỡng lão tại Tam Bảo Từ Tôn, Hòn Quéo. Mặc dù Phật sự đa đoan nhưng Ngài vẫn dành thời giờ tổ chức lễ tưởng niệm vị anh hùng dân tộc. Và buổi lễ may mắn đã diễn ra êm đẹp, không bị phá hoại như những nguồn tin dọa nạt ban đầu. Điều đáng tiếc lại xảy ra trong nội bộ. Một biên tập viên Tiến Hóa xuyên tạc buổi lễ, chỉ trích cố lãnh binh Nguyễn Trung Trực là tay sai phong kiến nên không đáng được đề cao. Sự kiện nầy thúc đẩy Ngài đi đến quyết định chấn chỉnh nhân sự tờ báo, một quyết định Ngài đã manh nha khi nhận thấy tờ báo bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát, bài vở quá khích có thể gây nguy hại đến kế hoạch hoằng pháp và từ thiện xã hội trường kỳ của Ngài. Sư Pháp Linh và sư Thiện Chiếu bất mãn bỏ đi. Ngài liền cho người liên lạc với cụ cử Võ Ngọc Hoành, một nhân sĩ thuộc phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đang bị Pháp giam lỏng tại Sa Đéc, để nhờ giới thiệu các cây viết khác. Nào ngờ bọn mật thám Pháp tại Sa Đéc đã bắt được thông tin nầy. Ngày 26-8-1931 (13.7.Tân Mùi), Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học được chính thức thành lập, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn gần chợ Cầu Muối, Sài Gòn (nay phường Cầu ông Lãnh, quận Nhất, Tp. Hồ Chí Minh). Ngài được mời làm cố vấn cho Hội cùng với Hòa thượng Thích Huệ Định. Năm ấy Ngài ở tuổi ngũ tuần. Sau khi hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học bị lực cản của Ông Trần Nguyên Chấn, không khai giảng được Thích học đường, chư tôn Thiền đức uy tín như (Thiền Sư Thích Khánh Hòa, Sư Thiện Chiếu v.v...) của Hội lần lượt bỏ về Tự viện ở các tỉnh để tìm phương thành lập các hội khác. Ngài cũng trở về chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá. Năm Bính Tý (1936), niên hiệu Bảo Đại năm thứ 12, Sư Thiện Chiếu về Rạch Giá tìm gặp Ngài. Qua trao đổi, nhị vị cùng đồng chí hướng, Ngài đồng ý thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế vào ngày 23-3-1937 (11.2.Đinh Sửu), và đầu xuân năm Mậu Dần (1938) cho xuất bản Tạp chí Tiến Hóa. Ngài lãnh nhiệm vụ Chánh Tổng Lý của Hội và Sư Pháp Linh (Phan Thanh Hòa) làm chủ bút Tạp chí này. Với danh xưng “Hội Phật Học Kiêm Tế” cùng với Tạp chí Tiến Hóa - cơ quan ngôn luận của Hội, tổ chức này hoàn toàn là một tổ chức “Cách mạng” trong Phật giáo. Tên Hội Phật Học Kiêm Tế được giải thích như sau: “Đây không phải là một Hội chỉ để học Phật, mà còn là một Hội để thực hành kinh bang tế thế nữa”. Cụ thể hóa tôn chỉ đó, Hội đã tổ chức ba lớp học miễn phí cho con em nhà nghèo quanh vùng, nhà chùa trả lương cho giáo viên. Hội còn lập ra phòng thuốc phước thiện và bệnh xá cho bệnh nhân nằm điều trị. Lần đầu tiên trong cả nước, Hội lập ra một viện mồ côi ngay tại chùa. Ngoài ra Hội còn tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá, nuôi ăn từ hai trăm đến ba trăm người trong thời gian ngắn. Chính do những tư tưởng tiến bộ như thế, mà ngôi Sắc tứ Tam Bảo Cổ Tự đã trở thành nơi lui tới của các vị cán bộ chiến sĩ cách mạng, làm nơi hoạt động chống chế độ thực dân Pháp. Ngài cũng thường hay qua lại một số chùa trên đất Campuchia và Thái Lan để chia sẻ Phật sự với các vị sư sãi các xứ này. Năm nào các chùa có mở trường Hương, trường Kỳ, Ngài thường được mời Chứng minh. Phật sự khắp các tỉnh như Sài gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Mỹ Tho, Sa Đéc, Châu Đốc, Bến Tre, Trà Vinh, v.v.. Ngài đều tham gia. Để giúp Hội Phật Học Kiêm Tế và báo Tiến Hóa có phương tiện hoạt động, trong phiên họp ngày 20-3-1938 (19.2.Mậu Dần) của Hội, Ngài đã hiến tài sản của Bổn tự gồm có chùa chiền, ruộng vườn, và số tiền mặt tổng cộng 19.973 đồng (vào thời điểm năm 1938 đó là số tiền lớn) cho Hội, sau khi được bổn đạo của chùa đồng ý. Cuối Đông năm Kỷ Mão (1939), niên hiệu Bảo Đại năm thứ 14, do tên Tư Chà làm nội gián, cơ sở Cách mạng nơi Sắc Tứ Tam Bảo Cổ Tự (Cơ sở bí mật Xứ ủy Nam kỳ) bị lộ. Bọn mật thám Pháp khám xét gắt gao. Tài liệu, truyền đơn và vũ khí tự chế bị tịch thu. Ngài cùng một đệ tử là Thích Thiện Ân tục danh Trần Văn Thâu và nhiều người khác bị bắt. Ngài cùng vị đệ tử Thích Thiện Ân bị chúng giải lên Sài Gòn, đưa ra tòa xét xử. Đại đức Thích Thiện Ân bị kết án tử hình, còn Ngài bị 5 năm biệt xứ lưu đày Côn Đảo. Lúc ở trong tù, Ngài nói với ông Lê Hoàng Minh, tức Ông Ký ở Nhị Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho rằng : “Chú còn nhỏ, sau này được thả ra, tiếp tục hoạt động. Còn tôi già rồi, kỳ này ra Côn Đảo, chắc phải hy sinh”. Đúng vậy, khi ra Côn Đảo, Ngài bị giam trong phòng cấm cố. Nơi đây, bao lần bị tra tấn lấy khẩu cung, Ngài vẫn giữ thái độ trầm tỉnh thong dong của bậc chân tu, khiến cho những kẻ hung hăng thô lỗ không còn chút tình người cũng phải sinh tâm kính trọng. Tuy vậy, khi trở về phòng biệt giam, nghe lòng mình se thắt lại, khởi niệm nhập Từ bi quán, chẳng bợn lòng tiếc nuối sự nghiệp tan tác bọt bèo, cũng không đau đớn lo âu thân phận bị biệt xứ lưu đày tù tội. Thế nhưng, Ngài lại băn khoăn vận nước, bồn chồn nhớ nghĩ đến đám dân nghèo mất nơi nương tựa, trẻ con thất học bụi đời, trẻ mồ côi, người bệnh hoạn không tiền thang thuốc… Do đó, khi tỉnh tọa tham thiền Ngài cứ bị phân tâm. Ngài tuyệt thực mấy ngày liền đến kiệt sức để phản đối chế độ lao tù hà khắc. Nhận thấy chiếc thân tứ đại không duy trì được nữa, trước phút vĩnh ly, Ngài phì phào ngâm nga : Đúng sai khôn dại tự phân minh, Sáu cõi chẳng qua dựng lộ trình, Phật sự đạo tràng tùy huyễn cảnh; Dạo Ta bà tự tại tầm thinh… Trong tư thế Kiết già phu tọa Ngài an nhiên thị tịch vào ngày 26 tháng 6 năm Quý Mùi (27.7.1943). Hưởng thọ 61 Xuân, Giới lạp 30 Hạ, Trụ trì 29 Đông. Từ lúc Ngài bị bắt biệt xứ lưu đày Côn đảo, ngôi Sắc tứ Tam Bảo Tự bế môn, cửa thiền bụi bám nhện giăng, cỏ dại phủ đầy hiên vắng. Quả là: Quạnh hiu trên bến sông buồn, Kiên Giang nước chảy về nguồn nhớ thương, Bao nhiêu nước, bấy nhiêu buồn, Thầy ơi, trăng nước hãy còn xót xa! Sau Cách mạng tháng tám, chùa mới được mở cửa lại. Tăng tín đồ Phật tử và nhân dân tổ chức một Đại lễ cầu siêu tại chùa để tưởng niệm Ngài và các đồng chí của Ngài đã hy sinh vì Đạo pháp và Dân tộc. Lịch sử ghi nhớ mãi tâm nguyện cao cả của Ngài, rạng danh trong phong trào chấn hưng Phật giáo và còn mãi với phong trào cách mạng kháng Pháp. Ngài là một trong những vị tiền bối xây dựng nền tảng cho cuộc chấn hưng Phật giáo và phong trào Phật giáo cứu quốc. (Sau cách mạng Thánh Tám 1945, nhiều Tăng sĩ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” tham gia kháng chiến, góp phần giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước). Thuở sinh tiền, Ngài cùng sư huynh là Thiền sư Bửu phước (Trụ trì Phước Ân Tự, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thường chia sẻ về tương lai hậu vận tiền đồ Phật giáo Dân tộc. Trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, Ngài kiến tạo nhiều ngôi Già lam trong địa bàn tỉnh Kiên Giang như : Tam Bảo Hòa Thanh Tự, Vĩnh Hiệp; Vĩnh Phước Tự, Tà Niên; Bửu Hưng Tự, Cầu Cà, Bờ He, Gò Đất, huyện Châu Thành; Phước Hưng Tự, Ngăn Gừa; Tam Bảo Kỳ Viên Tự, Hòn Quéo; Tam Bảo Từ Tôn Tự, Sóc Xoài, huyện Hòn Đất; Bảo Long Sơn Tự, huyện Hòn Đất. Thích Vân Phong kính biên soạn

Labels:

Tiểu sử đại lão Hòa thượng THÍCH KHÁNH THÔNG (1870-1953)

Tiểu sử đại lão Hòa thượng THÍCH KHÁNH THÔNG (1870-1953) 29/08/2014 13:12:00Thích Vân Phong Đã đọc: 281 Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font image Kính Tưởng niệm ngày Viên tịch lần thứ 61 cố đại lão Hòa Thượng Thích Khánh Thông vị Tiền bối : "Tận lực lo giáo dục đào tạo Tăng tài và hợp tác với đồng môn huynh đệ là Thiền sư Như Trí hiệu Khánh Hòa trong việc khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. . ." Nhằm bày tỏ lòng tôn kính và tưởng niệm bậc Cao Tăng Giới Đức Kiêm Ưu, đã cống hiến trọn đời, hiện thân giáo, tiêu biểu Danh Đức sáng ngời cho hậu thế trong sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng Ni, Phật tử tiếp nối, hoằng pháp độ sinh. chúng ta cùng nhau thành tâm thắp hương tưởng niệm và ôn lại hành trạng của Ngài để nêu gương sáng cho hàng hậu học : Tiểu sử đại lão Hòa thượng THÍCH KHÁNH THÔNG (1870-1953) Hòa thượng thuộc dòng thiền Lâm Tế chánh tông đời thứ 39, pháp húy Như Tín hiệu Khánh Thông. Tục danh Hoàng Hữu Đạo, sinh năm Canh Ngọ (1870) niên hiệu Tự Đức năm thứ 24, tại làng An Thủy, tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.Thân phụ là cụ ông Hoàng Hữu Nghĩa, hiền mẫu là cụ bà Đặng thị Sa. Ngài xuất thân trong một gia đình phú quý, Nho phong lễ giáo, lại kính tin Tam Bảo. Lúc nhỏ Ngài được theo học chữ Quốc ngữ (chữ Nôm) với cụ Đồ Chiểu tại làng An Đức (Khi cụ từ Cần Giuộc tị nạn về đây mở trường dạy học). Ngài là một trong những học trò giỏi của cụ Đồ Chiểu, lại nổi danh Dịch học, Đông Y, Phong thủy địa lý. . . Trước khi xuất gia, Ngài sinh hoạt theo luân lý cương thường của Khổng, Mạnh; chí hiếu với cha mẹ, kính trên nhường dưới, luôn hòa nhã với mọi người, thường gắn bó chia sẻ sự vui buồn với Hương, Thôn, Tổng, Huyện. Nên giới quan chức cùng dân chúng rất kính nể, quý trọng và xem Ngài như bậc mô phạm trí thức mẫu mực, vì thế uy tín, đạo đức của Ngài tỏa khắp vùng đất Bến Tre. Đương thời Ngài có tài văn hay chữ tốt, có năng khiếu ứng đối nhạy bén, thơ văn xuất khẩu thành chương. Hôn, Quan, Tang, Tế trong xã hội, thiên hạ đều cần đến Ngài trong việc chọn ngày lành tháng tốt, mà còn xin những câu liễn đối các tứ lễ nêu trên, cho đến dịp Xuân về họ còn xin Ngài các câu liễn Tết và bài vị thờ cúng Tổ tiên hay những bài văn tế chúc thọ, hoặc nhờ Ngài xem địa thế phong thủy để tư vấn cho việc kiến trúc xây dựng . . . Ngài có trí nhớ tốt, thuộc rất nhiều kinh sử trong Tam giáo, Cửu lưu. Tài hùng biện của Ngài rất hấp dẫn cuốn hút người nghe trong các buổi đàm đạo giao lưu. Trãi bao năm; hòa mình với tục lụy trần gian, thế giới tương đối muôn ngàn sai biệt, thấm thía cảnh hồng trần trôi nổi, vô thường muôn sự rõ rồi ! Một hôm, tự thân suy gẫm về thế cuộc nhân sinh, Ngài chợt nhớ đến câu : Nhơn tình tợ chỉ, trương trương bạc; Thế sự như kỳ, cuộc cuộc tân. Nghĩa là: Tình đời bến mộng mênh mông; Cuộc đời xoay chuyển như trong bàn cờ. Năm Đinh Dậu (1897) niên hiệu Thành Thái năm thứ 9, đất Bồ đề bắt đầu bén rễ, cửa Bát nhã đón thêm một Thích tử, vừa tròn 27 tuổi xuân, Ngài ngộ lý vô thường, liễu tri trần gian ảo mộng và tìm đến Chùa Long Khánh, xã Bình Tây, nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đảnh lễ Lão Hòa Thượng Chấn Bửu, cầu xin quy y thế độ, xuất gia và được Bổn sư Hòa thượng ban pháp danh Nguyên Nhơn. Sau đó đến cầu Chánh pháp nhãn tạng với Lão Thiền sư Minh Lương hiệu Chánh Tâm, Trụ trì Tổ đình Kim Cang, (nay thuộc ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) và được ban pháp húy Như Tín hiệu Khánh Thông, rồi trở thành cùng đồng môn huynh đệ với Thiền sư Như Trí hiệu Khánh Hòa. Từ đây; Ngài nhẹ gót thênh thang trong rừng Thiền thăm thẳm, lướt sóng tung tăng trên biển Pháp mêng mông, nghiên tầm tham cứu Tam tạng giáo điển. Năm Giáp Thìn (1904) niên hiệu Thành Thái năm thứ 6, Ngài trở về quê nhà tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, (nay xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), khai sơn Bửu Sơn Tự. Khi hoàn công ngôi Đại Hùng Bửu điện thì Ngài tổ chức Lễ Khánh Thành, An vị tôn tượng Phật, Bồ tát và kết hợp khai Trường Hương, Tuyển Phật trường, mở Đại giới Đàn, cung thỉnh Lão Thiền sư Minh Lương hiệu Chánh Tâm là Bổn sư của Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng truyền giới. Năm Đinh Mùi (1907) niên hiệu Duy Tân năm thứ nhất, Đại giới đàn tại Bổn tự Bửu Sơn, Ngài cung thỉnh Lão Thiền sư Minh Lương hiệu Chánh Tâm là Bổn sư của Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Ngài được chư sơn Thiền đức cung thỉnh đương vi Yết Ma A xà lê sư. Từ đó; danh thơm của Ngài tỏa khắp các sơn môn, nức tiếng gần xa; hương giới đức của Ngài ngược gió tung bay, thiện nam tín nữ khắp nơi quy y kính ngưỡng tôn sư, trong đó có Bà đại thí chủ Lê Thị Ngởi, (một trong những đại gia nổi tiếng bố thí, cúng dường tứ sự cho chư Tăng và cả ruộng đất cho các chùa). Bà trở thành một đệ tử đắc lực trong việc Phật sự của Ngài và nhiều đại thí chủ khác. Vì thuận duyên ngoại hộ như thế, nên rất hợp với tâm nguyện của Ngài là : “Tận lực lo giáo dục đào tạo Tăng tài và hợp tác với đồng môn huynh đệ là Thiền sư Như Trí hiệu Khánh Hòa trong việc khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 20”. Năm Tân Dậu (1921) niên hiệu Khải Định năm thứ 6, Đại giới đàn tại Bổn tự Bửu Sơn do Ngài tổ chức và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Năm Quý Hợi (1923), niên hiệu Khải Định năm thứ 8, Đại giới đàn tổ chức tại chùa Thắng Quang, nay thuộc xã Giồng Tre, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn Đầu Hòa thượng truyền giới. Năm Ất Sửu (1925) niên hiệu Bảo Đại năm thứ nhất, Ngài phú pháp truyền đăng, trao Chánh pháp nhãn tạng dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40 cho đệ tử Hồng Hạnh hiệu Vĩnh Đạt và ban kệ như sau : Hồng huy kế chánh tông, Hạnh hòa phước huệ thông, Vĩnh truyền tăng tục đạo; Đạt ngộ liễu chơn không. Sau đó; Ngài bổ nhiệm đệ tử Hồng Hạnh hiệu Vĩnh Đạt về trụ trì Bửu Linh Tự, xứ Cái Mít, nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm Đinh Mão (1927) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3, Đại giới đàn tổ chức tại chùa Thắng Quang, xã Giồng Tre, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn Đầu Hòa thượng truyền giới. Năm Tân Mùi (1931) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 7, Đại giới đàn tổ chức tại Long Nhiễu Tự, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Ngài được cung thỉnh đương vi Tuyên Luật sư, Yết Ma A Xà Lê sư. Đại giới đàn tại Bổn tự Bửu Sơn do Ngài tổ chức trong năm này và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Năm Đinh Sửu (1937), niên hiệu Bảo Đại năm năm thứ 13, Đại giới đàn tổ chức tại Long Nhiễu Tự, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Năm Giáp Thân (1944), niên hiệu Bảo Đại năm thứ 20, Đại giới đàn tại Bổn tự Bửu Sơn do Ngài tổ chức và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Từ lúc xuất gia cho đến suốt cuộc đời còn lại, Ngài luôn để tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài, liên tục khai kiến đàn Tuyển Phật trường truyền trao giới pháp, đáp ứng nhu cầu cấp bách trong giai đoạn chuyển mình của Phật giáo. Lớp Tăng sĩ trẻ hậu bối này đã làm hậu duệ để đãi lao cho Lão tiền bối Như Trí hiệu Khánh Hòa trong mọi công tác Phật sự. Do công đức khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo và giáo dục đào tạo Tăng tài mà phương danh của nhị vị lão Hòa thượng tiền bối này, mãi lưu danh vạn thế và đã phổ vào nhân gian huyền thoại ca tụng rằng : Bầu trời có mấy vì sao ! Bến Tre mây nước, Cù Lao hai hòn. Cù lao Minh, chùa Tuyên Linh; Khánh Hòa đại lão hiển vinh Tăng tài. Chấn hưng Phật giáo một mai; Miền Nam nước Việt tương lai rạng ngời. Cù lao Bảo, Bửu Sơn ơi ! Khánh Thông Hòa thượng một thời Cửu Long. Miền Nam nhị vị Giáo tông; Chấn hưng Phật giáo hanh thông lâu dài. Để phân biệt đệ tử của sơn môn Tuyên Linh, Khánh Hòa lão Hòa thượng và sơn môn Bửu Sơn, Khánh Thông lão Hòa thượng thì đệ tử của sơn môn Tuyên Linh pháp hiệu chữ Thành như : Thành Đạo, Thành Nghiêm, Thành Lệ . . . Còn đệ tử của Sơn môn Bửu Sơn pháp hiệu chữ Vĩnh như : Vĩnh Tấn, Vĩnh Huệ, Vĩnh Thành, Vĩnh Tín, Vĩnh Đạt, Vĩnh Đạo, Vĩnh Sanh, Vĩnh Thiện, Vĩnh Chơn, Vĩnh Tồn, Vĩnh Pháp, Vĩnh Ký, Vĩnh Từ, Vĩnh Hiển, Vĩnh Tường. . . Hàng Pháp điệt tiêu biểu của Ngài, thuộc môn đồ pháp quyến Tổ đình Bửu Sơn như các vị : Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cố Hòa thượng Thích Hiển Giác, nguyên Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Minh Hải. Hòa thượng Thích Hiển Tu, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN, Trụ trì Chùa Xá Lợi. Hòa thượng Thích Minh Hiền, Chánh đại diện Phật giáo Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. . . Hóa duyên ký tất, thuận thế vô thường, thị hiện chút bệnh duyên, tự biết Ta Bà quả mãn, Ngài liền triệu tập môn đồ pháp quyến, rồi phó chúc chuyển giao Phật sự cho đệ tử Vĩnh Huệ tiếp nối sự nghiệp Trụ trì Tổ đình Bửu Sơn. Sau khi tụng xong thời kinh Kim Cang, Ngài gọi chúng đệ tử bên cạnh rồi kể lại quảng đời tu hành, truyền đạt kinh nghiệm hành đạo của mình và để tỏ lòng tri ân với Tổ đình Long Khánh, Tổ đình Kim Cang, cùng với huynh đệ đồng môn xuất gia tu học từ thời niên thiếu. Khuyến tấn môn đồ pháp quyến xong, Ngài mỉm cười, thu thần Thị tịch vào ngày mùng 03 tháng 08 năm Quý Tỵ (nhằm ngày thứ năm, 10.09.1953). Trụ thế 83 Xuân. Trụ trì 47 Đông. An cư 55 Hạ. Có dịp Ngài được thỉnh chứng minh một Trường Hạ ở Kinh đô Huế, nhân việc Hoàng Thái hậu thân bất an, thì Vua Bảo Đại và Hoàng tộc thỉnh Ngài vào cung để chăm sóc cho lịnh bà tứ đại điều hòa. Sau đó được Vua ban tặng Y Hồng thêu hình rồng vàng, mão Hiệp Chưởng, tịnh tài và một bài thơ chúc Khánh tuế : Kính mừng Hòa thượng tuổi Linh Qui, Tiếng tốt Trung, Nam khắp lưỡng kỳ, Minh kính gương soi lòng Trí huệ, Bồ đề giốc dựng dạ Từ bi. Làm con đức Phật, làm Thầy chúng, Tỏ lối đàng Nho, tỏ Đạo y, Non nước còn dài ơn võ lộ; Hoa sen nức nở chốn liên trì. Bảo Đại hoàng đế ngự bút (Ghi chép theo lời kể của Hòa thượng Y Chỉ sư Thích Vĩnh Đạt, thân tộc Ngài hiện ở gần Tổ đình Bửu Sơn) Pháp điệt Thích Vân Phong kính biên tập

Labels:

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiện Minh (1920 - 1992)

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiện Minh (1920 - 1992) 03/05/2010 14:15:00Thích Vân Phong Đã đọc: 4758 Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font image Để tưởng niệm ngày Viên tịch lần thứ 18 cố Hòa thượng Thích Thiện Minh. - Nguyên Thành viên Hội đồng Trị sự Trung Ương GHPGVN. - Nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp. - Nguyên Trụ trì Linh Quang Tự, Thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Một trong những vị Hòa thượng Luật sư cuối thế kỷ 20, của Phật giáo tỉnh Đồng Tháp. Tiểu sử Hòa thượng THÍCH THIỆN MINH (1920 – 1992) Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 40, pháp húy Thục Hải, hiệu Thiện Minh. Tục danh Phạm Văn Giáo, sinh năm Canh Thân (1920) niên hiệu Khải Định năm thứ 5, tại tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Khuê, hiền mẫu là cụ bà Lê Thị Tỵ. Nhị vị Phật gia đều phúc hậu, kính tin Tam Bảo. Ngài là con thứ 3 trong gia đình 7 anh chị em. Năm Giáp Tuất (1934) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10, vì hoàn cảnh loạn lạc bởi vùng sôi đậu chiến tranh, nên Ngài đành phải nghỉ học để phụ giúp việc gia đình và thủ hiếu với song thân. Đến tuổi trưởng thành, Ngài vâng lời phụ mẫu lập gia thất để có người nối dõi tông đường, sau khi ổn định gia đình Ngài tìm đến Sư Viên Phước (ông Đạo Ba) để học Đông Y Nam dược và từ đó say mê trong nghề để phục vụ từ thiện xã hội qua ngành Y tế. Năm Nhâm Thìn (1952), nhận thức được lý tưởng cuộc sống, thấu triệt lẽ sinh diệt vô thường, Ngài hiểu rằng chỉ có con đường Phật pháp mới thật sự giải quyết vấn đề sinh tử luân hồi, chấm dứt mọi khổ đau, đem lại sự an lạc hạnh phúc hiện tại, Ngài quyết chí ly trần thoát tục. Ngài được Hòa thượng Thích Quảng Hiếu hiệu Thiện Tồn nhận làm đệ tử, truyền Tam quy y, Ngũ giới, ban cho pháp danh Thục Hải hiệu Thiện Minh, trở thành tịnh nhân tập tu hạnh xuất gia, và được làm thị giả hầu thầy Bổn sư tại Đức Long Cổ Tự nơi quê nhà. Từ đây : Thân vun bồi nơi đất Bồ Đề; Tâm vững trụ tại rừng Bát Nhã. Năm Ất Mùi (1955), sau ba năm trôi giồi giới hạnh trong thiền môn, trở thành trang tử xuất gia, xứng danh hàng Thích tử Như Lai. Ngài được chính thức thọ giới Sa Di tại Bổn tự Đức Long do Hòa thượng Bổn sư Thích Thiện Tồn đương vi Đàn đầu Hòa thượng, từ đây Ngài tinh chuyên học giới luật và nổi tiếng gìn phạm hạnh, giữ oai nghi. Năm Nhâm Dần (1962) Ngài được Bổn sư Hòa thượng cho phép đăng đàn thọ cụ túc giới tại Sắc tứ Hội Long cổ tự, tỉnh Long An, do lão sư Thích Hoằng Đức đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Thanh tịnh pháp y thọ nhận, hạnh nguyện Bồ tát thừa hành, Ngài chuyên tinh giới luật, lấy Ba la đề mộc xoa làm thọ mạng, kim chỉ nam cho cuộc sống tu hành. Để tăng trưởng đạo lực và vun bồi phước huệ, nhị nghiêm thân, thừa hành Phật sự. Ngài đến An cư nhập chúng tu học các nơi như : Chùa Giác Long, nay thuộc xã Tân Khánh Đông, Thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Chùa Pháp Hội, Linh Sơn Cổ Tự , Chùa Giác Sanh, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Hội Long, Chùa Hoằng Khai, Chùa Hàn Lâm, Chùa Hưng Phú, tỉnh Long An . . . Kiết Hạ nơi đâu, lúc nào Ngài luôn khiêm cung, giữ lục hòa kỉnh pháp, giới đức kiêm ưu trang nghiêm đạo hành, nên được pháp lữ kính mến, bậc Tôn túc tin yêu. Sau bao năm đó đây tu học, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức lãnh đạo, an chúng. Ngài dừng chân trụ trì Linh Quang tự, nay thuộc Phường An Hòa, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, tiếp tăng độ chúng và mở phòng Đông Y Nam dược từ thiện, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho đồng bào địa phương. Góp phần duy trì và phát triển nền Y học dân tộc cổ truyền. Đối với Phật sự Giáo hội; Ngài lần lược được cung thỉnh đảm trách các chức vụ trong Tỉnh hội Phật giáo như : Năm Quý Sửu (1973) Ngài đảm trách chức vụ đặc ủy Tăng sự GHPTN tỉnh Sa Đéc. Năm Nhâm Tuất (1982) sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, hòa nhịp trong giai đoạn hòa bình độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà, Phật giáo nước ta một lần nữa tổ chức đại hội Phật giáo toàn quốc tại thủ đô Hà Nội vào mùa Đông năm Tân Dậu (1981), chuyển đổi danh xưng Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và khi tỉnh nhà chánh thức thành lập tỉnh hội Phật Giáo Đồng Tháp nhiệm kỳ I (1982 – 1987) Ngài được cung thỉnh vào Ban Trị sự tỉnh với chức vụ Ủy viên Giáo dục Tăng Ni. Trường Hạ an cư năm này tại Phước Hưng cổ tự Ngài được cung thỉnh chức Thiền chủ và sau đó Đàn giới truyền Phương trượng, Ngài đương vi Giáo thọ An Xà Lê. Năm Quý Hợi (1983) Ngài trùng tu Đức Long cổ tự, xã Tân Dương, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Trùng tu Chùa Linh Phước xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Năm Bính Dần (1986) bắt đầu trùng tu và phát triển Bổn tự Linh Quang cho đến cuối đời. Năm Đinh Mão (1987) Nhiệm kỳ II Ban Trị sự, đại hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp cung thỉnh Ngài lên ngôi Phó ban Trị sự kiêm Ủy viên hướng dẫn Nam Nữ cư sĩ Phật tử. Năm Mậu Thìn (1988) Đại giới đàn Vĩnh Đạt do Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp tổ chức tại Phước Hưng cổ tự, Thị xã Sa Đéc. Ngài được cung thỉnh đương vi Yết Ma A Xà Lê tuyền giới cho hơn 200 giới tử. Năm Canh Ngọ (1990) sau khi Hòa thượng Thích Huệ Phát, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội viên tịch, Ngài lên đảm trách Quyền Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp. Năm Tân Mùi (1991) Đại hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ II, Ngài được suy tôn ngôi Trưởng Ban Trị sự. Mùa Hạ an cư năm này tổ chức tại Linh Quang tự do Ngài làm chủ Hương, Thượng tọa Thích Minh Tấn đương vi Thiền chủ, cho hàng trăm chư tăng tu học. Mùa Thu năm này Đại giới đàn Vĩnh Đạt tổ chức tại Phước Hưng cổ tự vào dịp lễ húy kỵ cố đại lão Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt, nguyên Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Đồng Tháp nhiệm kỳ I, vào ngày rằm tháng 9 Âl (22.10.1991), Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng truyền giới cho hơn 200 giới tử Tăng Ni. Với trách nhiệm Trưởng Thủy thủ lèo lái con thuyền Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, Ngài cố gắn hết sức mình chuyên tải những chất liệu xúc tác, để tiếp tục xây dựng nền tảng cho tương lai ngôi nhà Phật giáo như những Phật sự : Quan tâm khuyến học đối với Tăng Ni Phật tử, nâng cao trình độ để phục vụ Đạo pháp – Dân tộc. Với nguyện vọng đó; Ngài chỉ đạo cho các Ban đại diện Huyện, Thị trong tỉnh cố gắng nhân rộng các lớp giáo lý, mở đạo tràng truyền Bát Quan trai cho Phật tử tại gia tu một ngày an lạc trong môi trường xuất gia, khuyến khích Phật tử thọ Bồ tát giới tại gia nhằm phát huy Đại thừa Bồ tát đạo, đặt biệt là trước khi mở trường Cơ bản Phật học thì Ngài đích thân góp phần cùng Tổ đình Phước Hưng lo xây dựng Tăng xá và tự tay Ngài làm dưa muối để cải thiện bữa ăn cho Tăng sinh suốt một khóa 4 năm. Ngài không thích ăn sang mặc đẹp; trong cuộc sống thường nhật Ngài luôn thể hiện Tri túc để trang nghiêm cho phong cách an lạc thanh nhàn, ít nói để thanh tịnh tâm niệm Phật, thật xứng danh là bậc “ĐẠO HẠNH KHẢ PHONG” , Ngài thường dự vào hàng Tam sư, Thất chứng truyền trao giới pháp, làm Chứng minh đạo sư, Tuyên Luật sư, Thiền chủ tại các khóa An cư kiết Hạ trong và ngoài tỉnh. Đối với xã hội, Ngài là bậc mô phạm mẫu mực để tiêu biểu cho một công dân tốt, khiến giới quan chức địa phương vô cùng kính mến và có một số xin quy y làm đệ tử. Ngài vận dụng Y phương minh, hương khởi đại Bi Tâm, dùng Từ nguyện lực, chia sẻ với tha nhân. Xem mạch bốc thuốc, châm cứu là điều chỉnh sinh lý cho bệnh nhân tứ đại điều hòa, thân khỏe mạnh, dùng 37 phẩm Trợ Đạo và pháp môn Tịnh độ để giúp mọi người tự trị liệu, chuyển hóa nội tâm bởi nghiệp chướng ưu phiền, biến khí tam độc tham, sân, si thành hương Giới, Định Huệ. (Bút tích Ngài ghi : “Suốt chín năm khổ hạnh, kết duyên pháp lữ với Sư Viên Phước học Đông Y Nam Dược chẳng kể gian lao, không nài sự khó nhọc . . . xuống ghe thả trôi theo dòng Sa Giang đó đây trên sông nước, bềnh bồng cùng Lục bình trôi giạt khắp nơi; khi xuống Nha Mân, lúc về Sa Đéc, rồi đến Câu Lân, sau đó về mở phòng thuốc tại Bổn tự Linh Quang và chùa Giác Long, nay thuộc xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc . . “ . Lúc rảnh thì quảy đãy đi khắp chốn, để tìm kiếm Nam dược như các nơi : Vùng bảy núi Châu Đốc; huyện Long Thành, núi Chứa Chan, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai; Hòn Tre, Kiên Giang; Núi Thị Vải, Núi Dinh, Núi Minh Đạm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu . . . Đương thời Ngài nổi tiếng Phạm hạnh thanh tịnh, trì Giới tinh nghiêm. Suốt đời Ngài dùng thân tứ đại phụng đạo giúp đời, bồi công tích đức với lập trường và quan niệm :“Thanh tịnh là đạo thứ nhất, giải thoát là pháp tối thượng, trí tuệ là sự nghiệp duy nhất của người xuất gia thừa hành Bồ tát đạo”. Ngài còn là tấm gương sáng về đức hiếu học, khi tuổi cao đức trọng, sức khỏe suy yếu mà Ngài vẫn khiêm cung để hạ mình ôn nghe lại giáo lý, dù đó chỉ là một tân Tỳ Kheo trẻ, một chú Sa Di hay chính học trò của mình đang tập thuyết pháp. Ngài đã hiện thân trí tuệ và dùng trí tuệ để hiển thị công hạnh giới đức bậc thầy để giáo dục hậu lai. Như bông hoa tươi đẹp, Có sắc lại thêm hương, Việc ít lợi khéo làm; Khéo mang đến kết quả. Duyên Ta Bà quả mãn, thuận thế vô thường, Ngài hiện thân chút bệnh duyên, di chúc người kế thừa sự nghiệp trụ trì Linh quang Tự, cho đệ tử Thích Thiện Hảo; bổ nhiệm trụ trì Đức Long cổ Tự cho đệ tử Thích nữ Như Bích và cảnh sách môn đồ pháp quyến xong, Ngài an nhiên thu thần thị tịch tại Bổn tự Linh Quang, vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 14 tháng 03 năm Nhâm Thân (16-04-1992). Hưởng thọ 73 Xuân. Giới lạp 31 Hạ. Nhục thân Ngài được an trí trong Tháp khuôn viên Bổn tự. Thích Vân Phong kính biên tập (- Tham khảo với sư huynh Thích Thiện Hảo, tư liệu chùa Linh quang – Thân thế tục gia thì Hòa thượng là chú họ bên bà nội Tổ của Thích Vân Phong)

Labels:

Nhà sư Thích Trí Tịnh

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn] Nhà sư Thích Trí Tịnh sinh ngày 2 tháng 9 năm Đinh Tỵ (17 tháng 10 năm 1917) tại làng Mỹ An Hưng [2] (tục gọi Cái Tàu Thượng), thuộc quận Châu Thành, Sa Đéc (nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân, và tin theo đạo Phật. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Cân và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Truyện. Nhà sư là người con út trong gia đình có 6 anh chị em gồm 3 trai và 3 gái. Nguyễn Văn Bình (về sau là nhà sư Thích Trí Tịnh) đã mồ côi cả cha lẫn mẹ (lên 3 tuổi thì mất cha, đến 7 tuổi thì mất mẹ), nên sống với người anh thứ ba (ông Nguyễn Văn Đặng nay đã qua đời, người anh thứ tư mất sớm). Năm 10 tuổi, Nguyễn Văn Bình mới vào lớp năm (tương đương lớp 1 ngày nay), đến năm 15 tuổi thì học xong lớp đệ thất (tương đương lớp 6 ngày nay), rồi sang học chữ Hán với người chú và học nghề thuốc Bắc với người anh họ... Xuất gia học đạo[sửa | sửa mã nguồn] Thấy cảnh lục đục của gia đình anh chị nên Nguyễn Văn Bình có ý xuất ly thế tục, và người thanh thiếu niên ấy bắt đầu tìm hiểu các tôn giáo như đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, Thông Thiên Học, v.v... và đặc biệt quan tâm đến đạo Phật. Năm 18 tuổi, Nguyễn Văn Bình bắt đầu ăn chay trường và tu theo đạo Phật. Năm 1937 (21 tuổi ta), ông cùng người bạn lên Sài Gòn lập nghiệp, ở chung nhà trọ. Trước đó, tuy ông đã có ý định xuất thế nhưng vì còn người chị thứ sáu chưa lập gia đình nên không nỡ bỏ đi. Nay người chị ấy đã yên bề gia thất, nên ông yên tâm thực hiện ước nguyện của mình. Sau đó, ông đi lên núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang), đến chùa Lá (sau trùng tu và đổi tên là Vạn Linh), cầu xin Hòa thượng Trụ trì Thích Thiện Quang (thượng Thiện hạ Quang, thế danh Nguyễn Hồng Xứng; 1895-1953) [3] cho xuất gia, và được chấp thuận. Trong quảng thời gian tu khổ hạnh, nhà sư Thích Trí Tịnh (tức Nguyễn Văn Bình) đọc được tạp chí Từ Bi Âm, nên có ý nguyện học thêm kinh luật. Vì vậy, cuối năm 1939, nhà sư xin phép thầy xuống núi. Đến Sài Gòn, nhà sư Thích Trí Tịnh cùng nhà sư Thiện Phước ra núi Thị Vải (nay thuộc Bà Rịa), tìm chỗ thích hợp để cất am tu (gần chùa Linh Sơn Bửu Thiền). Nhưng vì sơn lam chướng khí, nên chẳng mấy hôm, cả hai nhà sư đều bị bệnh sốt rét. Không kham nổi, hai người cùng xuống chân núi. nhà sư Thiện Phước thì tá túc nơi am của bà Năm, còn nhà sư Trí Tịnh thì tá túc nơi hang đá của bà Bảy. Vài hôm sau, nhà sư Thiện Phước tịch, nhà sư Trí Tịnh liền về Sài Gòn tá túc trong chùa Tịnh Độ ở Gò Vấp và tìm thầy trị bệnh. Sau khi hết bệnh, nghe theo lời khuyên, nhà sư khởi ý đi Huế để tu học. Trên đường đi, nhà sư có vào tu học tại chùa Liên Tôn ở Bình Định khoảng 3 tháng [4]. Ra đến Huế, nhà sư được nhận vào học lớp Sơ cấp Phật học (và được cấp học bổng) tại chùa Tây Thiên [5]. Đầu năm 1941, nhà sư Trí Tịnh thọ giới Sa di tại chùa Quốc Ân ở Huế [6]. Sau đó, nhà sư tiếp tục học lên Trung đẳng Phật học (tốt nghiệp vào cuối năm 1942) và Cao đẳng Phật học (tốt nghiệp năm 1945). Cũng năm này (1945), trường An Nam Phật Học dời vào Tòng Lâm Kim Sơn ở Huế, nhà sư Trí Tịnh được cử làm Giám viện Quản đốc trường. Hành đạo và hoạt động trước năm 1975[sửa | sửa mã nguồn] Kế đó, vì nạn đói ở Huế và ở cả miền Bắc, nhà trường quyết định chuyển Tăng sinh (Sơ đẳng và Trung đẳng khoảng 40 vị) vào Nam và giao cho nhà sư Trí Tịnh quản lý. Vào Nam, đoàn Tăng sinh tạm ở trong chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), còn nhà sư Trí Tịnh thì tạm ở trong chùa Kim Huê (Sa Đéc). Ngày 19 tháng 6 năm 1945, nhà sư Trí Tịnh được thọ Tỳ kheo và Bồ Tát giới tại Đại Giới đàn tổ chức tại chùa Long An ở Sa Đéc [7]. Đến khi Cách mạng tháng Tám (1945) nổ ra, nhà trường vừa kể trên (khi ấy có tên là Lưỡng Xuyên Phật Học) bị phân tán, nhà sư Trí Tịnh và nhà sư Thích Thiện Hoa (1918 – 1973 bèn về chùa Phật Quang ở quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) lập trường Phật Học Phật Quang, và khai giảng vào cuối năm. Khi ấy, nhà sư Thích Thiện Hoa làm Giám đốc, còn nhà sư Trí Tịnh làm Đốc giáo kiêm Giáo thọ. Cuối năm 1946, an ninh ở địa phương không được ổn định, nhà trường phải dời về tạm trú trong chùa Vạn Phưóc ở Phú Lâm (Chợ Lớn)[8]. Năm 1948, nhà sư Trí Tịnh cùng nhà sư Thích Huyền Dung (1918- 2014) thành lập trường Liên Hải Phật Học tại chùa Vạn Phuớc. Khi ấy, nhà sư Trí Tịnh Hòa làm Giám đốc, nhà sư Thích Huyền Dung làm Đốc giáo [9]. Năm 1950, nhà sư Trí Tịnh có bệnh phải đi dưỡng bệnh và tu ở chùa Linh Sơn (Vũng Tàu). Năm 1951, nhà sư Trí Tịnh cùng nhà sư Thích Thiện Hòa sáp nhập 3 Phật học đường là Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt, đặt trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang (nay ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Từ năm 1951 – 1956, nhà sư Trí Tịnh tham gia Ban Giảng huấn và giảng dạy cho lớp Cao Đẳng Phật học [9]. Cũng trong năm này, nhà sư nhận lời làm trụ trì chùa Linh Sơn [10]. Năm 1952, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt được thành lập ở Sài Gòn, nhà sư Trí Tịnh được mời giữ chức Trưởng ban Giáo Dục và Trưởng ban Giám Luật. Kế đó, Giáo Hội Tăng Già toàn quốc được thành lập, nhà sư được cử vào các chức vụ: Trưởng ban Giáo Dục, Phó Trị sự, Ủy viên phiên dịch Tam Tạng. Vì nhận nhiều trọng trách, nên tháng 4 năm 1954, nhà sư trao quyền trụ trì chùa Linh Sơn lại cho nhà sư Tịnh Viên. Ngày 16 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1954), nhà sư Trí Tịnh cho lập chùa Vạn Đức ở Thủ Đức (nay tọa lạc tại số 234 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức). Tiền thân ngôi chùa là nhà ở của một tín đồ hiến tặng, được sửa chữa lại làm chùa. Kể từ đó, nhà sư thường trụ ở đây cho đến ngày viên tịch (2014) [11]. Năm 1955, nhà sư Thích Trí Tịnh thành lập Hội Cực Lạc Liên Hữu tại chùa Vạn Đức, và khuyên Tăng chúng thực hành tu theo pháp môn Tịnh Độ [12]. Khi ấy, nhà sư Trí Tịnh làm Liên trưởng, và nhà sư Thích Huệ Hưng làm Liên phó. Cũng trong năm này, nhà sư đảm nhiệm cương vị Giáo thọ A Xà Lê Đại giới đàn Từ Hiếu (Huế). Năm 1957, nhà sư Trí Tịnh được Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt cử làm Trị sự phó và kiêm Trưởng ban Giáo dục Giáo hội Tăng già Nam Việt. Đồng thời, hợp tác với nhà sư Thích Thiện Hoa, nhà sư Thích Thiện Hòa mở các khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội, chùa Tuyền Lâm, chùa Dược Sư... để đào tạo cán bộ Trụ trì và Giảng sư cho Giáo hội [9]. Năm 1959, trong Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam kỳ II diễn ra vào ngày 10, 11 tháng 9 năm 1959 tại chùa Ấn Quang, nhà sư Trí Tịnh được cử làm Trị sự Phó Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam. Cũng trong năm này, nhà sư làm Tuyên Luật sư Đại giới đàn Hải Đức (Nha Trang). Năm 1960 – 1962, nhà sư Trí Tịnh làm Giới Luật sư trong các Đại Giới đàn tổ chức tại các chùa Ấn Quang, Pháp Hội,... để truyền trao giới pháp cụ túc cho chư Tăng. Năm 1962, nhà sư Trí Tịnh được cử làm Phó Viện trưởng Phật học Viện Trung phần. Năm 1964, nhà sư Trí Tịnh làm Trưởng đoàn Đại biểu Giáo hội Tăng già Nam Việt tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, được tổ chức tại chùa Xá Lợi trong các ngày 30, 31 tháng 12 năm 1963 và 1 tháng 1 năm 1964 để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Tại Đại hội này, nhà sư được cử làm Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự [9]. Cũng trong năm này, nhà sư Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị làm Tuyên Luật sư trong Đại Giới đàn Quảng Đức, tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự (Sài Gòn). Năm 1965, nhà sư Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị Yết ma trong Tiểu Giới đàn Quảng Đức tại Phật học viện Huệ Nghiêm (nay ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) và Tuyên Luật sư Đại Giới đàn ở chùa Từ Hiếu (Huế). Năm 1966, nhà sư Trí Tịnh là Tuyên Luật sư Đại Giới đàn Quảng Đức tại Phật học viện Huệ Nghiêm. Cũng trong năm này, tại Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, nhà sư được suy cử vào cương vị Chánh Thư ký Viện Tăng Thống. Năm 1968, nhà sư Trí Tịnh tham gia Ban Giảng huấn Phật học viện Huệ Nghiêm và giảng dạy Phật pháp cho lớp Chuyên khoa Phật học trong ba năm. Năm 1969, nhà sư Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị Tuyên Luật Sư trong Đại Giới đàn Quảng Đức tổ chức tại Phật học viện Huệ Nghiêm. Năm 1970, nhà sư Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn (cho đến năm 1975). Năm 1971, sau khi Giáo hội thành lập Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, nhà sư Trí Tịnh được cử làm Viện trưởng (cho đến năm 1991). Năm 1973, trong phiên họp của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, nhà sư Trí Tịnh được cử làm Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương. Vào ngày 5 tháng 7 năm ấy, nhà sư Trí Tịnh được cử làm Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Cũng trong năm này, tại Đại hội Giáo hội Trung ương kỳ 4, nhà sư Trí Tịnh được tấn phong hòa thượng và được suy cử đảm nhiệm cương vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN [9]. Cuối năm 1974, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được Hòa thượng Thích Thiện Hòa cử làm Cố vấn Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc. Năm 1975, Hòa thượng Trí Tịnh được Hội đồng Giáo phẩm Trung ương cử làm Trưởng ban Kiến thiết Pháp Bảo Viện tại xã Linh Xuân Thôn ở Thủ Đức. Hành đạo và hoạt động sau năm 1975[sửa | sửa mã nguồn] Một bài kệ niệm Phật của HT Thích Trí Tịnh được khắc trên đá, dựng trong khuôn viên chùa Vạn Đức Năm 1976, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được mời làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đầu năm Canh Thân (1980), trong phiên họp hiệp thương của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, cư sĩ của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận chương trình thống nhất Phật giáo Việt Nam. Kết quả một Ban Vận động Thống nhất Phật giáo ra đời, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban và Hòa thượng Trí Tịnh được cử làm Phó Trưởng ban Vận động kiêm Trưởng Tiểu ban Nội dung. Cũng trong năm này, hòa thượng được cử làm Tuyên Luật Sư và Chánh Chủ khảo trong Đại Giới đàn Thiện Hòa, tổ chức tại chùa Ấn Quang. Sau đó, tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 4 – 7 tháng 11 năm 1981, Hòa thượng Trí Tịnh được Đại hội cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh, và cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa được thành lập. Tuy nhiên, vai trò mới này của Hòa thượng Trí Tịnh đã gây nhiều tranh cãi, khi nhà sư tự tách rời khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất[13]. Năm 1982, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ I, Hòa thượng Trí Tịnh được cử kiêm làm Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (cho đến năm 1987). Từ Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (1983) cho đến Đại hội VII (2009), Hòa thượng Trí Tịnh được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch, rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương của Mặt trận. Năm 1984, sau khi Hòa thượng Thích Trí Thủ (Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN) viên tịch vào tháng 4 năm 1984, Hòa thượng Trí Tịnh được cử làm Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo cho ngày viên tịch (tháng 3 năm 2014). Năm 1984 cho đến năm 2013, Hòa thượng Trí Tịnh được mời làm Đàn Đầu Hòa thượng Đại Giới đàn đầu tiên, và những Giới đàn tiếp theo của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại chùa Ấn Quang. Năm 1984, Hòa thượng Trí Tịnh được cử làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam [14]. Tháng 12 năm ấy, tại Đại hội Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4, Hòa thượng được Đại hội cử làm Phó Chủ tịch của tổ chức này. Năm 1992, tại Đại hội Kỳ III của Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Trí Tịnh được suy tôn lên ngôi vị Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Năm 1994, Hòa thượng Trí Tịnh được Đại hội lần thứ 8 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tín nhiệm bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 2004, Hòa thượng Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Trí Tấn do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức. Năm 2005, Hòa thượng Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Thiện Hòa 4 do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức[15]. Viên tịch[sửa | sửa mã nguồn] Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã viên tịch vào lúc 9 giờ 15 phút ngày 28 tháng 3 năm 2014 (28 tháng 2 năm Giáp Ngọ) tại chùa Vạn Đức ở Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), trụ thế 98 năm, hạ lạp 69 năm. Lễ truy điệu được cử hành sau đó và thỉnh kim quan chứa nhục thân Đại lão Hòa thượng nhập Bảo tháp Phù Thi (xây năm 1993) trong khuôn viên chùa Vạn Đức. Biên soạn và phiên dịch[sửa | sửa mã nguồn] Chùa Vạn Đức do HT Thích Trí Tịnh khai sơn Mặc dù bận rộn nhiều công việc cho Giáo hội, Hòa thượng vẫn dành thời gian để dịch kinh và giảng kinh. Những tác phẩm Hòa thượng đã biên soạn, phiên dịch và phổ biến như: Kinh Pháp Hoa: 08 quyển Kinh Hoa Nghiêm: 08 quyển Kính Đại Bát Niết Bàn: 02 quyển Kinh Đại Bát Nhã: 03 quyển Kinh Đại Bảo Tích + Đại Tập: 12 quyển Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện: 01 quyển Kinh Địa Tạng bổn nguyện: 01 quyển Kinh Tam Bảo: 01 quyển Tỳ kheo giới bổn: 01 quyển Bồ Tát giới bổn: 01 quyển Kinh Pháp Hoa cương yếu: Tóm tắt Kinh Pháp Hoa thông nghĩa: Tóm tắt Cực Lạc liên hữu tập: 01 quyển Đường về Cực Lạc: Trọn bộ Ngộ tánh luận: 01 quyển, v.v... Công xây dựng (sơ lược)[sửa | sửa mã nguồn] Chùa Vạn Linh được HT Thích Trí Tịnh cho trùng tu Ngày 16 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1954), Hòa thượng Trí Tịnh cho lập chùa Vạn Đức ở Thủ Đức (nay tọa lạc tại số 234 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức). Năm 1995, Hòa thượng Trí Tịnh đã cho khởi công xây dựng lại chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Năm 2000, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Trí Tịnh đã ký quyết định thông qua dự án và bổ nhiệm Ban Trùng tu cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội tại Thiền viện Quảng Đức ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2001, Hòa thượng Trí Tịnh cho trùng tu một số hạng mục tại chùa Vạn Đức, như: Giảng đường, Phật đài Quan Âm, Thư viện, Thiền thất, v.v... Năm 2002, Hòa thượng Trí Tịnh là Chủ đầu tư xây dựng lại cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội (Thiền viện Quảng Đức). Năm 2004, Hòa thượng Trí Tịnh khởi công xây dựng lại Chánh điện, Nhà Tổ chùa Vạn Đức với quy mô lớn [16]. Chức danh và tặng thưởng[sửa | sửa mã nguồn] Trong quá trình hành đạo và hoạt động, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã từng là: Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN, Trưởng ban Tăng sự TƯ GHPGVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TPHCM, Viện chủ chùa Vạn Đức, Viện chủ chùa Vạn Linh. Thiền viện Quảng Đức, nơi HT Thích Trí Tịnh có nhiều đóng góp Với những công đức mà Đại lão Hòa thượng đã đóng góp cho "Đạo Pháp và Dân Tộc", Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã được tặng thưởng: -Huân chương Hồ Chí Minh. -Huân chương Độc Lập hạng Nhất. -Huân chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân. -Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. -Bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác... Nhận xét (sơ lược)[sửa | sửa mã nguồn] Hòa thượng Thích Quảng Ba tại Úc cho là Hòa thượng Thích Trí Tịnh là một trong những số ít các vị tăng lữ có "công lao phiên dịch Kinh điển Đại thừa nhiều nhất", "giảng dạy và truyền bá pháp môn tịnh độ trên toàn cõi Việt Nam", và "có công đức lớn đối với nền Phật học Việt Nam", "để lại di sản rất lớn cho nền Phật học và cho sự tu hành thanh cao đạo hạnh của những bậc cao tăng hiếm có trong thời gian gần đây". Khi nhà sư gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là "Vì nhiều lý do áp lực khác nhau [Ngài cùng các tăng lữ cao cấp khác] đã phải thuận theo lời yêu sách, áp lực, đòi hỏi của chính quyền mới, chính quyền Xã hội chủ nghĩa, để tự hủy thể giáo hội của mình" và "các ngài có dụng ý muốn cứu các thành phần còn lại. Các bậc thầy của chúng tôi đành phải đi con đường thỏa hiệp để cứu sống, để bảo tồn được bao nhiêu hay bấy nhiêu...".[13]. Trích trong báo Nhân Dân: ...Cuộc đời của Hòa thượng (Thích Trí Tịnh) là một tấm gương sáng về trí đức và giáo dục cho tăng, ni nhiều thế hệ. Với tính điềm đạm và đức nhẫn nại của một bậc thực học, chân tu khả kính và với những đóng góp to lớn cho Đạo pháp - Dân tộc, Hòa thượng luôn có được cảm tình đặc biệt trong lòng Phật tử Việt Nam...[17]

Labels:

Phật giáo Việt Nam - Lược sử Phước Hưng cổ tự (Sa Đéc, Đồng Tháp)

Phật giáo Việt Nam - Lược sử Phước Hưng cổ tự (Sa Đéc, Đồng Tháp)